Xây nhà nuôi chim yến như thế nào cho giá rẻ và kinh doanh hiệu quả? Dưới đây là một số thông tin chi tiết về đơn giá xây dựng nhà nuôi chim yến giá rẻ trong năm 2019.

Nghề nuôi chim yến đã phát triển được hàng chục năm nay nhưng câu hỏi “Xây nhà nuôi yến bao nhiêu tiền? ” vẫn luôn là vấn đề muôn thuở mà nhiều người đặt ra. Từ trước đến nay, giá xây nhà nuôi yến vẫn được các công ty xây nhà yến giữ kín và báo riêng cho công trình nhà yến ở từng khu vực.

Chi phí xây nhà yến là bao nhiêu?

Các bước tiến hành để có căn nhà yến thành công:

1. Khảo sát

2. Hoàn thiện bản vẽ thiết kế nhà nuôi chim yến.

3. Giám sát thi công

4. Lắp đặt kỹ thuật

5. Bảo trì bảo hành định kỳ

1. THỬ CHIM YẾN – khảo sát tính khả thi trước khi đầu tư:
giá 2.000.000 vnđ/ 1 ngày ( phí này sẽ hoàn lại nếu sau này ký kết hợp đồng hợp tác)
Công ty sẽ đến khảo sát địa điểm dự định đầu tư xây nhà nuôi yến. Chủ đầu tư sẽ được tư vấn tính khả thi của vị trí dự kiến đầu tư, tư vấn về phương án đầu tư hợp lý: diện tích, hướng, kết cấu, vật tư thi công… nhằm tối ưu hóa chi phí đầu tư.

2. TƯ VẤN, THIẾT KẾ, THI CÔNG NHÀ YẾN ( TRỌN GÓI )

Tùy từng người có điều kiện kinh tế khác nhau, tùy từng vùng miền có điều kiện khí hậu khác nhau, ta có thể xây dựng những căn nhà yến khác nhau vừa phù hợp với điều kiện khu vực đó, vừa phù hợp với túi tiền của mình, mà vẫn bảo đảm được đầy đủ các yếu tố kỹ thuật( nhiệt độ , âm thanh, ánh sáng, độ ẩm…..)
Xây dựng nhà yến đúng kỹ thuật chắc chắn trên 95% sẽ thành công. Ngược lại xây dựng không đúng kỹ thuật chắc chắn sẽ thất bại hoàn toàn.

– Xây dựng phần thô nhà nuôi yến: thông thường chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm thi công phần thô theo đúng bản vẽ thiết kế kỹ thuật. Tại khu vực miền Trung, chi phí thi công phần thô theo tiêu chuẩn nhà yến (tường 2 lớp, móng đơn, sàn bê tông cốt thép…) ở mức 2.500.000 đồng/ m2 sàn, đã bao gồm phần công thợ. Chủ đầu tư tự thi công sẽ giảm bớt chi phí đầu tư và đảm bảo chất lượng công trình.

– Lắp đặt các hệ thống, trang thiết bị bên trong nhà yến theo tiêu chuẩn công nghệ Malaysia phù hợp với điều kiện Việt Nam:

– Khu vực miền Trung: 900.000 đồng đến 1.000.000 đồng/m2 với thanh gỗ làm tổ Bạch tùng Việt Nam. Gỗ Red Meranti nhập khẩu: 1.200.000 đồng/m2

– Khu vực Tây Nguyên: 1.200.000 đồng/m2 với thanh gỗ làm tổ Bạch tùng Việt Nam. Gỗ Red Meranti nhập khẩu: 1.400.000 đồng/m2

Đầu tư “nhà yến” – kẻ cười, người khóc

Xưa, chỉ có vua chúa và bậc quyền quý mới được dùng món yến sào, đứng đầu trong bát trân – 8 loại thức ăn quý hiếm. Và để khai thác được yến dâng vua, người thợ xưa phải vượt sóng gió, đu mình trên vách núi chênh vênh… Nhưng nay giữa phố phường tấp nập, nhiều người chỉ cần đưa tay lên trần nhà đã lấy được tổ yến, hằng năm thu về tiền tỷ…
Khi con chim yến bay về
Anh Trần Duy Dũng (trú Mỹ An, Sơn Trà, Đà Nẵng) dẫn tôi tham quan ngôi nhà 5 tầng, vừa là nơi ở, trụ sở công ty xây dựng và cũng là nơi trú ngụ của hơn 2.000 con chim yến. Dũng bảo, “lộc trời” đến với anh một cách rất tình cờ. Đầu năm 2008, Dũng xây nhà, nhưng khi xong phần thô, chưa kịp trang trí thì phát hiện chim yến bay đến bu bám vào vách tường. Vậy là kế hoạch của anh thay đổi. “Chim yến bay đến nhà mình biết là có lộc trời rồi, nhưng làm thế nào để giữ nó ở lại nhà là điều khó. Tôi dừng việc xây nhà, nghiên cứu cách xây nhà nuôi chim yến dù lúc ấy chẳng biết hiệu quả của việc này ra sao”.

Để dụ loài chim trời vào nhà quả là điều không dễ. “Yến rất khó tính, chỉ chịu ở trong nhà nếu nó nhận thấy điều kiện sống thích hợp. Ban đầu, sau khi cải tạo nhà xong tôi đi mua phân chim yến và nước tạo mùi, mà những thứ này đắt lắm, 1kg giá 5 triệu đồng, 1 lít nước tạo mùi cũng hơn 3 triệu đồng. Không có kinh nghiệm nên tôi phải vào các tỉnh miền Nam nghiên cứu, học hỏi nhưng họ giữ bí mật ghê lắm, có lần vào Khánh Hòa tham quan nhà nuôi yến tôi phải mất 5 triệu đồng cho 5 phút. Ngoài ra phải đầu tư hệ thống âm thanh dẫn dụ, ánh sáng, độ ẩm và cả máy quay theo dõi… Tất cả, tôi đầu tư gần 2 tỷ đồng”- anh Dũng tính toán. Đầu tư vậy, nhưng phải mất gần một năm những đôi chim yến mới chọn nhà anh Dũng làm nơi ở để xây tổ và sinh con.

Thật ra, chim yến bắt đầu “định cư” trong những ngôi nhà ở Đà Nẵng từ năm 2006. Sau cơn bão Xangsane, những đàn chim yến ở Cù lao Chàm (Quảng Nam) bị gió bão cuốn vào đất liền, mất chỗ trú ngụ nên tìm đến những ngôi nhà để nương náu. Kiến trúc sư Nguyễn Minh Sơn rất mừng khi vào đầu năm 2008, thấy bóng yến chao lượn trên ngôi nhà của mình ở đường Trưng Nữ Vương (Hải Châu). Do trước đó đã ấp ủ ý định xây dựng một ngôi nhà yến nên khi biết yến đang tìm nơi ở, anh Sơn đã… nhường hẳn tầng 2 của ngôi nhà để chim yến “trọ”, bỏ tiền tỷ đầu tư, mày mò nghiên cứu cách tạo môi trường sống phù hợp cho chim yến. Từ những cặp chim yến ban đầu đến bây giờ ngôi nhà anh Sơn đã trở thành nơi trú ngụ của gần 2.000 con yến.

Từ những nhà yến ban đầu, đến nay trên địa bàn Đà Nẵng đã xuất hiện hàng chục ngôi nhà khác, phần lớn nằm ở các quận Hải Châu, Cẩm Lệ và Sơn Trà.

Khi chim yến không về
Mỗi năm, Dũng và Sơn thu về gần 20 kg tổ yến, mỗi ki-lô-gam gần 50 triệu đồng. Với họ, đây chẳng khác gì những mỏ vàng trắng. Tuy nhiên, họ cũng phải lao tâm khổ tứ không ít. Do loài chim yến “dị ứng” với rất nhiều thứ nên nhiều lúc khiến các ông chủ mất ăn mất ngủ. “Nuôi yến trong nhà cũng kiêng kị nhiều thứ lắm, giống như người ta đi khai thác ở ngoài đảo vậy”-anh Sơn thổ lộ.
Bản thân các chủ đầu tư xây nhà nuôi yến cũng thừa nhận nghề này chứa đựng rủi ro cao. Kinh nghiệm xây nhà dụ chim yến cho thấy, nhà xây xong chưa chắc yến đã vào, yến vào nhà chưa chắc đã ở, yến ở chưa chắc đã làm tổ hoặc làm tổ ít. Việc xây dựng nhà yến tỷ lệ thành công là 50/50 nhưng không nhiều nhà đầu tư biết được điều này.
Anh D.-người đầu tư xây nhà chim yến ở gần Cầu Đỏ (Cẩm Lệ) kể, khi biết nhiều người có thu nhập lớn từ việc nuôi chim yến anh cũng quyết định đầu tư. Biết ý định của anh, vài chuyên gia đến hướng dẫn anh các kỹ thuật dẫn dụ chim yến với lời hứa sẽ thu lợi lớn. Anh D. đã bỏ ra không ít tiền đầu tư nhưng qua 2 năm miệt mài phát âm thanh gọi yến nhưng nhà yến của anh chỉ thu hút được… vài cặp. Không ít nhà yến ở Đà Nẵng cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Trong thời gian qua, xuất hiện không ít các cá nhân tự nhận mình là chuyên gia, lợi dụng kiến thức của những người đầu tư còn hạn chế, họ đứng ra nhận xây nhà nuôi chim yến, với lời quảng cáo sẽ truyền lại bí quyết dụ chim nhưng khi nhận tiền xong họ hết trách nhiệm, để nhà đầu tư đối mặt với khó khăn. “Ngoài hạ tầng thì kỹ thuật tạo mùi, kỹ thuật âm thanh dẫn dụ và chăm sóc chính là yếu tố thu hút nhiều chim yến về làm tổ. Thông thường phải sau 2 năm nhà yến đưa vào hoạt động thì chủ đầu tư mới có thể bắt đầu thu hoạch. Nhưng một số người không nắm được bí quyết hoặc quá kỳ vọng vào mức doanh thu cao trong thời gian ngắn nên khi chim yến vẫn còn trong giai đoạn thăm dò hay mới làm tổ thì đã khai thác, làm chim yến sợ hãi, bỏ đi. Không nên đặt nặng lợi nhuận khi nuôi yến- anh Sơn chia sẻ kinh nghiệm.

Nghề nuôi yến nở rộ nhưng lắm thăng trầm

Từ xưa, yến đã được biết đến như một đặc sản cao cấp, chỉ có người nhiều tiền lắm của mới có thể dùng. Yến thời kỳ đó đa phần được khai thác từ thiên nhiên, nổi tiếng là từ các vùng đảo ở miền Trung như: Khánh Hòa, Hội An, Quảng Bình. Cách đây gần 30 năm, từ những ngôi nhà yến tự phát, cộng với việc tìm hiểu cách nuôi yến trong nhà của một số nước như Malaysia, Indonesia, những nhà yến đầu tiên đã mọc lên ở Việt Nam. Bắt đầu từ những vùng ven biển, nhưng nay, khi nghề nuôi yến trở thành “nghề bạc tỷ” thì hình như nơi nào cũng có nhà yến.

Từ Nam chí Bắc

Theo nhiều người có tuổi nghề cao thì cái nôi của nghề làm nhà dụ yến chính là Nhà hát Phan Rang (Ninh Thuận). Đầu tiên, người ta phát hiện có một số chim yến bay vào bên trong tòa nhà để làm tổ. Sau đó, người dân đã tìm hiểu rồi xây dựng nhà yến mô phỏng và dần hình thành nghề. Không ai bảo ai, nhiều người ở các vùng bờ biển tương tự cũng cất nhà với thiết kế giống hốc đá để dụ yến vào nuôi. Đỉnh điểm nhất là năm 2000, nhà yến được xây dựng lan rộng ra các tỉnh ven biển từ miền Trung Trung bộ đến Tây Nam bộ, lên cả Tây Nguyên…

Theo số liệu điều tra của Hiệp hội Yến sào Việt Nam, nếu tháng 6.2014, cả nước có 30 tỉnh, thành phố có hộ nuôi chim yến trong nhà với số lượng trên 2.610 nhà yến, thì đến tháng 3.2017, cả nước đã có 36 tỉnh, thành phố với số lượng nhà yến tăng gần gấp đôi, trên 5.060 nhà. Sản lượng thu hoạch yến tại Việt Nam cũng tăng nhanh qua các năm.

Tính đến năm 2016, một số vùng có sản lượng khá như: nhà yến tại Trảng Bom (Đồng Nai) thu hoạch trên 19.323 tổ/năm, Rạch Giá (Kiên Giang) thu hoạch 9.365 tổ/năm, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thu hoạch 16.117 tổ/năm, Phú Riềng (Bình Phước) thu hoạch 15.759 tổ/năm, nhà yến tại Khánh Hòa thu hoạch 17.947 tổ/năm. Cũng theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam, tốc độ đầu tư nhà yến mới hiện nay là nhanh và thay đổi từng tháng, tăng từ 20-30% tùy theo mỗi địa phương. Dự báo, đến năm 2020, nghề yến nuôi trong nhà có thể sẽ có thêm 2.000 – 2.200 nhà yến mới, diện tích sàn xây dựng 700.000-1.000.000 m2.

Kiếm bạc tỷ

Không phải ngẫu nhiên mà nghề nuôi yến ngày càng phát triển rầm rộ. Theo các nhà nghiên cứu, yến là loài động vật dễ nuôi, ít dịch bệnh… Điều kiện sinh cảnh lý tưởng cho yến sinh sống và phát triển bầy đàn là trong vùng có nhiều rừng (vườn) cây, có diện tích mặt nước lớn, có đồng lúa, bụi cây thấp và khí hậu nóng ẩm.

Việt Nam có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, hội đủ các yếu tố cho chim yến phát triển. Nguyên tắc của nghề này là trong vùng phải có một loài yến cùng giống (Collocaloa) với Yến Hàng. Loài yến bụng trắng Collocalia esculenta ở Indonesia và Malaysia đáp ứng được tiêu chuẩn này. Yến bụng trắng thuộc nhóm yến đen bóng, không có âm dội (sóng âm phát ra để định vị vật thể).

Giống này làm tổ bằng cỏ có ít nước bọt gắn kết. Chúng làm tổ trong các ngôi nhà với số lượng vài trăm con. Điều này đã quyến rũ Yến Hàng vào theo. Khi Yến Hàng làm tổ trong nhà thì người ta lấy trứng Yến Hàng cho Yến bụng trắng ấp. Kết quả là Yến Hàng tăng dần số lượng và thay thế cho Yến bụng trắng. Sau khi Yến Hàng đã có số lượng nhiều, người ta che dần các cửa sổ và cửa lớn làm cho ngôi nhà tối lại như hang yến. Yến bụng trắng không có âm dội nên phải ra ngoài, nhường nhà cho Yến Hàng.

Ông Nguyễn Văn Minh (TPHCM), người có hơn 10 năm nuôi chim yến, hiện có 2 nhà nuôi chim yến ở Kiên Giang cho hay: “Gần 20 năm về trước, nghề nuôi chim yến trong nhà vẫn chưa nhiều người biết đến. Tôi đầu tư 1 tỷ đồng đầu tư xây một căn nhà yến khoảng 100m2, nhưng làm nhiều cách nhưng vẫn không thể dụ được yến vào. Sau khi thất bại, tôi đã sang Malaysia – nơi nổi tiếng về nghề nuôi yến trong nhà, để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, tôi còn thuê kỹ sư Malaysia về hướng dẫn, mới có thể thành công. Hiện nay, trung bình một tháng tôi thu hoạch được gần 10kg tổ yến thô”.

Số người kiếm tiền tỷ nhờ nuôi yến trong nhà hiện không phải là ít. Sản phẩm tổ yến thô, chưa làm sạch có giá dao động khoảng 18 – 24 triệu đồng/kg (tùy theo chất lượng). Người nuôi chỉ cần bỏ tiền xây dựng nhà yến, tìm cách dụ được yến vào, giữ chân được yến là xem như thành công. Nuôi yến không tốn tiền thức ăn vì yến tự kiếm thức ăn, rồi về nhà yến làm tổ.

Một năm yến làm tổ 2-3 lần, thường sau 3 tháng sinh con thì chim yến bỏ tổ cũ đi làm tổ mới. Nhà nuôi yến cũng không cần quá rộng, chỉ cần khoảng 50 – 100m2. Với chi phí đầu tư hiện nay, xây một nhà nuôi yến tốn khoảng 3 – 4triệu đồng/m2. Nếu dụ được yến bay vào thành công thì sau 2 năm là thu hoạch. Một nhà yến khoảng 100m2 có thể thu hoạch một tháng vài ký tổ yến là chuyện thường.

Hên xui may rủi với “lộc trời”

Nhưng trên thực tế, đây cũng không phải là nghề “dễ ăn”. Gặp chúng tôi, nhiều người nuôi yến cũng đã chia sẻ những câu chuyện dở khóc, dở cười. Dù có kinh nghiệm hướng dẫn và thậm chí xây dựng nhiều nhà yến ở khu vực miền Tây, nhưng đến nay anh Phan Hoàng Vân (Bến Tre) vẫn không thể nuôi thành công nhà yến cho riêng mình.

Theo anh Vân, để yến vào nhà cần phải có nhiều thứ như kỹ thuật, thiết kế nhà phải có gió, ánh sáng, vệ sinh chuồng trại, địa điểm. Tất cả các yếu tố đó quan trọng, nhưng cái cốt lõi là “lộc trời”. Nhiều nhà xây dựng đúng các tiêu chuẩn mà yến chỉ vào lác đác, thậm chí không vào.

Ông Trần Minh Hoàng có nhà nuôi yến Bình Phước cảnh báo: “Đừng thấy vậy mà tưởng ngon, vì chỉ khoảng 20% nhà nuôi chim yến đạt hiệu quả cao. Nhiều nhà, yến chỉ vào lác đác. Thậm chí, nhiều người mong muốn “đổi đời” nhanh chóng, đã chọn cách mua lại nhà yến nên đã trở thành “miếng mồi ngon” cho kẻ lừa đảo vì mua nhầm nhà mà yến không vào hoặc vào rất ít.

Một người từng thất bại sau khi xây dựng nhà nuôi chim yến ở Cần Giờ chia sẻ: “Năm 2010, thấy việc nuôi chim yến phát triển rầm rộ, tôi quyết định đầu tư nuôi yến. Người xây nhà yến cam kết chắc chắn 4 tháng yến sẽ vào nhà làm tổ. Yến vào thiệt nhưng được khoảng 3 tháng rồi bay đi, không làm tổ. Tôi thấy cũng có nhiều người xây nhà nuôi yến đúng theo kỹ thuật hướng dẫn, đến khi phát loa dụ thì yến bay… vào nhà kế bên”.

Hiệp hội Yến sào Việt Nam cũng đưa ra các con số cho thấy chỉ có 7 – 10% nhà yến ở Việt Nam thành công ở mức rất tốt, 10 – 15% ở mức tốt, 15 – 20% đạt mức trung bình, 20 – 25% thuộc hàng hiệu quả và có đến 25-30% là không hiệu quả. Nguyên nhân được xác định là Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển tự phát nên cấu trúc nhà yến hầu hết chưa đạt, trong khi kỹ thuật vẫn còn ở bước bắt đầu.

Những rào cản

Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam, đến cuối năm 2017, đã có khoảng 41 tỉnh, thành nuôi chim yến với sản lượng ước tính đạt 40 tấn/năm. Nghề nuôi chim yến đã có từ cách đây hơn 20 năm, nhưng đến nay trừ một vài địa phương đã quy hoạch được vùng nuôi thì hầu hết các địa phương trên cả nước vẫn chưa có quy hoạch. Trong công tác quản lý, hiện chỉ có Thông tư 35 của Bộ NN&PTNT quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến.

Trong khi đó, để chim yến có thể vào nhà làm tổ, người nuôi phải gắn thiết bị dụ yến, hóa chất. Loa phát thanh dụ chim yến đã ồn nhưng khi chim yến bay về làm tổ thì càng ồn hơn. Hệ lụy của nhà nuôi chim yến là vừa ồn, vừa ô nhiễm do phân yến.

Do chưa có quy hoạch nên nhà yến đan cài trong khu dân cư, hầu như chưa được cấp phép. Nhiều người xin giấy phép xây dựng nhà ở nhưng kiểu dáng thiết kế là nhà nuôi yến. Cơ quan chức năng biết nhưng vẫn không thể nào kiểm tra, xử phạt, bởi người nuôi cho rằng chim yến là động vật hoang dã đã tự bay vào nhà làm tổ.

TPHCM đã thí điểm 10 nhà nuôi chim yến ở huyện Cần Giờ để hướng đến quản lý, quy hoạch chim yến. Tuy nhiên, hiện nay khi số lượng nhà yến thực tế đã hơn 500 thì quy hoạch vẫn chưa có cụ thể. Không chỉ ở ngoại thành như xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) – nơi có nhà nuôi yến đầu tiên và đang phát triển rất mạnh, mà ngay nhiều khu vực trung tâm như quận 5, quận 8,… cũng đã xuất hiện nhà nuôi yến.

Một người dân (xin phép giấu tên) rầu rĩ kể: “Thời gian đầu chỉ có vài nhà nhưng nay đã tăng rất nhiều. Tiếng chim yến từ sáng cho đến tối. Sống riết rồi cũng quen, nhưng nhà nuôi yến có mùi hôi của phân rất khó chịu”. Đó là chưa kể nhà nuôi chim yến rất dễ nhận biết với những lỗ trên tường, khiến cho cảnh quan đô thị trở nên “khập khiễng”, thiếu mỹ quan.

Nhiều địa phương như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tiền Giang và mới gần đây nhất là tỉnh Phú Yên đã có quy hoạch vùng nuôi chim yến, mang đến sự ổn định cho người nuôi, người dân trong khu vực. Tại An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, người dân nuôi yến phải có trang trại, và không chuyển đổi công năng đất quy hoạch này. Quan trọng hơn, khi có vùng quy hoạch, người nuôi yến sẽ xây dựng được thương hiệu, Nhà nước thu được thuế, từ đó hướng đến xuất khẩu. Nhưng số lượng địa phương có quy hoạch chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Với tiềm năng của nghề nuôi yến, các ngành liên quan đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước sẽ có 10.000 ngôi nhà yến. Đến năm 2030, sản lượng yến sào xuất khẩu sẽ đạt hơn 100 tấn thành phẩm; giá trị kim ngạch xuất khẩu yến sào sẽ đạt 200 triệu USD/năm. Nhà nước cũng đang dần quan tâm đến “nghề bạc tỷ” khi có nhiều chính sách cũng như đầu tư theo hướng phát triển vùng nuôi tập trung, đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ yến nhằm quảng bá thương hiệu Yến Việt.

Thế nhưng, những người nuôi yến cho biết nỗi lo của họ là giá thành bấp bênh do thị trường quá hẹp. Ở trong nước, đa phần người sử dụng yến phải có mức thu nhập khá, nên số lượng không nhiều. Muốn vươn ra thị trường thế giới thì việc quảng bá thương hiệu Yến Việt gặp rào cản về chất lượng khi hàm lượng dinh dưỡng từ các tổ yến nuôi trong nhà chưa đạt tối đa, sản phẩm từ yến chưa đa dạng, hiện chủ yếu chế biến thô.

Cách chế biến, bảo quản yến còn mang tính thủ công sơ sài. Nghề nuôi yến phát triển mạnh nhưng chủ yếu mang tính tự phát, thiếu quy hoạch nên gặp khó khăn trong việc quản lý, thu gom phục vụ quá trình chế biến, sản xuất… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, chim yến là không phải vật nuôi mà chỉ loài tự nhiên hoang dã. Việc quy hoạch vùng nuôi khó khả thi vì sau thời gian nguồn thức ăn ngoài thiên nhiên hết thì chim yến sẽ di chuyển sang nơi khác. Bài toán đặt ra cho Yến Việt, quả thật, không dễ chút nào